Một số nét về Quan niệm đề cao Hư −Tĩnh trong văn học – nghệ thuật của người Nhật


                     Nguyễn Hữu Tình

Đề cao cái hư − tĩnh là tư tưởng cốt lõi trong quan niệm của Đạo gia, nó ảnh hưởng vô cùng sâu sắc không chỉ đối với nền văn học − văn hóa nghệ thuật Trung Quốc mà còn với các nước đồng văn khác cùng nằm trong cái nôi văn hóa phương Đông như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Đặc biệt ở Nhật Bản, quan niệm này rất được chú trọng.

Tư tưởng Đạo gia vừa là sự đối trọng mà đồng thời cũng là mặt bổ sung cho tư tưởng Nho gia của người Trung Quốc. Người đặt nền móng cơ bản cho tư tưởng Đạo gia là Lão tử với bộ Đạo đức kinh năm nghìn chữ.

Trong Đạo Đức kinh, các khái niệm: HƯ – VÔ – BẤT xuất hiện với tần số rất cao. Lão tử cho rằng tất cả đều sinh ra từ VÔ: Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu / Hữu sinh ư VÔ (c.40). Và HƯ – VÔ – TĨNH – ĐẠM được đề cao, nhấn mạnh như là biểu hiện gần với ĐẠO: đó là cái rộng của hư (虛): Hư nhi bất khuất / Động nhi dũ xuất (c.5); đó là cái dụng của vô (無): Tam thập phúc cộng nhất cốc / Đương kỳ VÔ hữu xa chi dụng / Diên thực dĩ vi khí / Đương kỳ VÔ hữu khí chi dụng / Tạc hộ dũ dĩ vi thất / Đương kỳ VÔ hữu thất chi dụng / Cố HỮU chi dĩ vi LỢI / VÔ chi dĩ vi DỤNG; là cái vĩ của vô (無): Đại phương VÔ ngung / Đại khí vãn thành / Đại âm HY thanh / Đại tượng VÔ hình / Đạo ẩn VÔ danh / Phù duy đạo (c.41).

Đến Trang tử, tư tưởng HƯ VÔ nổi bật lên với quan niệm “nhất sinh như mộng ảo” (cuộc đời như giấc mộng) và tích chuyện Trang Chu hóa bướm đã trở thành 1 motif lớn và có ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác của nhiều nhà thơ lớn ở các Đông Á: Lý Bạch (Trung Quốc): Nhân sinh nhược đại mộng / Hồ lao vi kỳ sinh. Nguyễn Du (Việt Nam): Tri giao quái ngã sầu đa mộng /Thiên hạ hà nhân bất mộng trung. Basho (Nhật Bản): Đau yếu giữa hành trình / Chỉ còn mộng tôi phiêu lãng / Trên những cánh đồng hoang. Mộng đã tồn tại trong quan niệm của người như là một biểu hiện của thực. Mộng là mặt bổ khuyết của thực, mà mộng cũng là thực. Tư tưởng đề cao HƯ VÔ, MỘNG ẢO của Lão Trang càng được phổ biến và có ảnh hưởng rộng rãi hơn, khi Phật giáo du nhập Trung Quốc.

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ VI (TCN). Theo thời gian, cùng với sự phát triển đa dạng về các bộ phái cũng như các nghi thức hay phương pháp tu học, Phật giáo đã được truyền bá khắp thế giới. Đến Đông Á, tư tưởng Phật giáo kết hợp với tư tưởng Lão − Trang và văn hóa Đông Á sinh tạo nên tư tưởng Thiền tông mà người Nhật gọi là Zen. Nói cách khác, tư tưởng của Thiền là sự hòa trộn của ba yếu tố: tư tưởng HƯ VÔ, MỘNG ẢO của Lão Trang, tư tưởng SẮC KHÔNG của nhà Phật và quan niệm TÍN NHÃ ĐẠT lấy sự tinh giản, hàm súc và sự kiệm lời làm chủ của văn hóa Á Đông.

Ở Nhật Bản, quan niệm đề cao tư tưởng hư – tĩnh này dường như có mặt trong hầu hết các loại hình văn học và nghệ thuật đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Xin dẫn lời Murakami Haruki trong tác phẩm What I talk about when I talk about RUNNING: “Khi tôi chạy, tôi tự nhủ rằng hãy nghĩ về một dòng sông. Và mây. Nhưng mà thực ra tôi đâu có nghĩ về một sự vật, tôi chỉ tiếp tục chạy trong cái hư vô thân thuộc, niềm yên lặng hoài hương và đây là một điều quá ư tuyệt diệu” (trang 23). Cái hư vô mà Murakami đề cập ở đây chính là cái hư vô trong quan niệm HƯ VÔ của Lão Trang được hiểu theo nghĩa chân không, chứ không phải là chủ nghĩa hư vô, một chủ nghĩa triết học và văn học kiểu Tây phương.

Trong tiếng Nhật, Mu có nghĩa là , Sabi có nghĩa là tịch, tĩnh. Người Nhật khi nói đến hay là nói đến cái KHÔNG của Thiền (Zen). Và nói đến Thiền là nói đến Cái Không. Cái Không ấy (được hiểu theo nghĩa là chân không) đã trở thành đặc tính của văn hóa nghệ thuật truyền thống Nhật Bản được thể hiện qua sân khấu Noh, tranh thủy mặc, Khô sơn thủy (vườn đá) và thơ Haiku.

Sân khấu Noh của Nhật chú trọng đến việc gợi cho con người ta cảm thức vô thường, người Nhật gọi là MUJOKAN (vô thường quan / vô thường cảm).

Qua một vở kịch Noh, diễn viên thể hiện chất yugen qua động tác, ngôn ngữ, trang phục…mang tính biểu tượng. Khán giả có những liên tưởng hướng đến tâm linh, sự thức tỉnh, nhận thức chân lý, hòa điệu với vũ trụ, vạn vật theo tinh thần Zen.

Mỗi vở kịch Noh là một câu chuyện kể về những nhân vật ban đầu còn vướng mắc, hệ lụy, linh hồn không siêu thoát… sau thức tỉnh. Noh không dựa vào thần thoại dù vẫn có bóng dáng thần linh, ma quỷ. Noh thích kể về cuộc đời của những con người tài sắc, những anh hùng… để qua đó thể hiện cái đẹp – cái đẹp linh thiêng của đời sống, chứ Noh không diễn tả những cảm thức có kịch tính cao độ . Noh hướng đến sự cô đọng, tập trung để đạt đến cái đẹp của thơ ca, tập trung vào cái đẹp tinh tế, vào chiều sâu của Thiền. Do vậy một vở kịch Noh bao giờ cũng mang đậm tính Thiền vị, mang tính khai ngộ, mở ra tri kiến. Noh luôn mở ra cho khán giả của mình cái những cái Kiến (thấy) từ những cái Ảo (không gian ảo, thời gian ảo). Tính chất khai kiến này của Noh gần gũi với hội hoạ, với tranh thủy mặc, với khô sơn thủy…

Nếu tranh thủy mặc hướng tới cái đẹp Hư Không bằng bốn nguyên tắc cơ bản sau đây: (1) dĩ VIỄN cầu HƯ; (2) dĩ ĐẠM cầu HƯ; (3) dĩ SƠ cầu HƯ; (4) dĩ VÂN cầu HƯ thì Khô sơn thủy của Nhật cũng được thiết kế trên cơ sở lấy Hư Không làm chủ: không cây, không nước chỉ có đá và cát. Không cây mà như có cây. Không nước mà như có nước. Đá và cát phối hợp trên nền không mà biến hóa thành muôn hình vạn trạng của cái có. Cái vô, cái không được thể hiện một cách tối đa trên nền cát (thường là cát trắng) để biểu đạt cái hữu, cái thực.

Về điểm này, thơ haiku bắt nhịp tương hợp với tranh thủy mặc và khô sơn thủy. Cả ba đều dựa vào sự trống trải để tồn tại và phát triển. Bởi chính sự trống trải mới có khả năng sáng tạo cao nhất. Cái Không ở đây sáng tạo ra cái . Sáng tạo là sáng tạo từ chân không. Nói như ngôn ngữ nhà Phật, vạn vật đều từ Không mà ra. Cả ba đều lấy khoảng trống − “nơi bút mực không thể đến được” − làm chủ. Khoảng trống − khoảng lặng − là những khoảng vô ngôn. Vô ngôn không có nghĩa là không có gì để nói, mà là nơi đó không có ngôn từ gì có thể diễn tả hết ý, nên người nghệ sĩ để tự thân khoảng không nói về chính nó. Nói khác hơn, Khoảng trống − chân không − chính là nơi để người thưởng thức thả sức tưởng tượng của mình… Thêm một tưởng tượng sẽ cho ra một hoặc hơn một ý nghĩa mới… và cũng là thêm một sáng tạo mới vậy.
Người Nhật quan niệm rằng nếu các loại hình nghệ thuật đó không có sự “trống trải” thì nó trở thành vô nghĩa bởi nó không còn là nó nữa.
Xin thử đọc bài haiku:

Cành khô qua
quạ đậu
chiều thu
(Basho)

Bài thơ vẽ nên một bức tranh mà ở đó dường như mọi vật đều chìm trong khoảng vô ngôn tịch mịch. Là Vô (mu) mà cũng chính là Tĩnh (sabi). Hình ảnh con quạ đậu lặng im trong bóng chiều gợi ta liên tưởng đến câu thơ của R.Tagore: “Ta sẽ im lìm chờ đợi như bóng đêm kia đầy sao canh giấc, như bóng đêm kia ẩn nhẫn cúi đầu.” (“Thơ dâng” Phan Nhật chiêu và Lương Duy Trung dịch).

Tĩnh (hay Tịch) đặc biệt xuất hiện trong thơ Haiku và trong Trà đạo. Nói đến Tĩnh, Tĩnh nên được hiểu như là một “niềm cô đơn”. Cô đơn ở đây không thuộc phương diện tình cảm không phải là thiếu vắng tình cảm. Cô đơn chính là pure, sự tĩnh lặng tinh khôi nhất. Tĩnh (tịch) chính là bản chất của thế giới, của vũ trụ, ví như: trong đêm, ta nhìn lên bầu trời đầy sao. Trong khoảng không gian bao la, ta cùng vạn vật và bầu trời sao lặng lẽ giao hòa trong những cái chớp mắt của đêm. Có thể nói, Tĩnh là loại vận động cao cấp nhất. Chúng ta nhìn thấy mặt biển cuộn sóng ngỡ đó là sự vận động dữ dội nhưng sự vận động khủng khiếp nhất lại nằm trong lòng biển tĩnh lặng thẳm sâu kia. Tĩnh là trạng thái tâm hồn của nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ hòa đồng với bản chất của vũ trụ.

Xét về mặt này thì thơ Haiku thường là nơi diễn tả niềm cô tịch nhất.

Trong quạnh hiu
Tiếng ve
thấu xuyên lòng đá
(Basho)

Đường quạnh hiu
Không người, chỉ tôi
Chiều thu
(Basho)

Một mình
Thăm người một mình
Chiều thu
(Buson)
(…)

Tĩnh (hay tịch) là nền tảng của động. Vô (Chân không) là nền tảng của hữu (có). Tĩnh và Vô quyện nhau làm nên một trong những đặc trưng không thể thiếu được của văn học và nghệ thuật Nhật Bản; do vậy, để thưởng thức sân khấu Noh, thưởng thức trà đạo, ngắm hoa hay đọc thơ haiku, dạo chơi trong vườn khô…trước hết mỗi người chơi phải biết lắng lòng gác lại sự xao động xô bồ từ thế giới bên ngoài, tìm về sự lặng im tinh khôi sâu thẳm trong bản thể của Thiền.

Dưới đây là một số ảnh chụp vườn khô sơn thuỷ  Nhật Bản                                             

vuon kho 1 vuon kho 2 vuon kho 3 vuon kho 4 vuon kho 5

(*) Các bài thơ haiku được trích dùng trong bài viết đều do người viết tự dịch từ bản tiếng Anh từ nguồn tài liệu: Willam J. Higginson, Penny Harter ,(1976), How to Write, Share, and Teach Haiku, MccGraw-Hill Book Company.

This entry was posted in Studied. Bookmark the permalink.

Leave a comment